Sen đá là loài cây có sức sống tốt và rất ít bị bệnh tật. Tuy nhiên, nếu không ở trong nhà và không được chăm sóc phù hợp, cây rất dễ mắc bệnh. Trong bài viết này, Tiny Garden xin nêu ra một vài căn bệnh thường gặp ở sen đá và cách chăm sóc sen đá khi bị bệnh:
Mục Lục
Sen đá bị úng nước
Sen đá bị úng, mới đầu ta chỉ thấy lá sen bị mềm nhưng lâu dần thân và lá sẽ bị thối và dần chuyển sang màu đen. Nguyên nhân khiến cây bị úng có thể do tưới nước quá nhiều hoặc chậu cây không thoát nước được.
Cách chữa cho cây sen đá bị úng khá đơn giản nhưng hiệu quả thường không cao. Nhưng bạn có thể thử bằng cách tách cây khỏi chậu, giũ sạch đất và cắt bỏ các phần thân, rễ bị hư hại. Tiếp đó, đặt cây lên 1 tờ báo ở nơi thoáng mát, chờ cho cây khô rồi trồng lại.
Nên chú ý tưới nước vừa phải, sử dụng loại đất có độ thoáng cao và sử dụng chậu cây có lỗ thoát nước hoạt động tốt. Tham khảo bài viết: Kinh nghiệm chọn chậu trồng xương rồng, sen đá.
Sen đá bị nấm, rệp sáp tấn công
Cây rất dễ bị rệp sáp hay nấm tấn công vào thời điểm giao mùa, nhất là khi mưa kéo dài. Cây sẽ xuất hiện các biểu hiện: lá bị thối đen và lan rộng ra các lá khác, nặng hơn là toàn thân.
Những cây bị bệnh này thường rất khó cứu chữa, thông thường chúng đều phải cắt bỏ. Vì vậy cách tốt nhất là bạn nên phòng bệnh cho cây từ trước.
Biện pháp phòng trừ rệp, sáp hiệu quả cho cây là diệt kiến. Vì kiến thường mang rệp sáp đến và gây hại cho cây. Ngoài ra, bạn cũng có tể dùng thuốc diệt rệp sáp để phun diệt quanh gốc cây.
Với các loại nấm, bạn chỉ cần giữ cho nơi trồng sen đá khô ráo và không quá ẩm ướt. Có thể phun thêm các loại thuốc phòng ngừa sau đây: Anzil, COC85 …
Khi phát hiện cây bị bệnh, hãy cắt bỏ hết các lá bị bệnh và tiêu hủy chúng. Sau đó, dùng dao khử trùng cắt bỏ hết phần thân bị thối, giữ lại phần khỏe mạnh còn lại. Đặt cây ở nơi khô thoáng trong khoảng 3 ngày để vết thương khô đi, rồi tiến hành trồng lại cây.
Nếu bệnh rệp sáp trên cây sen đá quá nặng, hãy tiêu hủy chúng, tránh để mầm bệnh lây lan. Bạn cũng nên khử trùng đất để việc trồng những cây sen mới vào được an toàn hơn. Xem những giống sen đá mới và ít sâu bệnh của Tiny Garden tại: https://cayphongthuytheotuoi.com/danh-muc/sen-da
Sen đá bị cháy nắng
Tất cả các loại sen đá đều cần nắng để quang hợp tuy nhiên bao nhiêu là đủ thì bạn nên tìm hiểu về loại sen đá đó trước khi trồng. Một số loại sen nếu phơi nắng quá lâu cây sẽ bị cháy nắng. Cây sẽ có các biểu hiện như: cây bị khô héo, teo lại, 1 số lá nhìn như bị lửa đốt.
Thực tế, những lá bị cháy nắng không thể cứu chữa được. Vì thế, cách khắc phục duy nhất là bạn đem cây vào nơi có bóng mát và đợi cho lá mới mọc ra.
Sen đá bị thiếu nắng
Những cây sen đá bị thiếu nắng sẽ có màu nhợt nhạt, yếu ớt. Cây phát triển chủ yếu về chiều cao, hướng về phía có ánh nắng. Đặc biệt với những loài ưa nắng như sen nhung viền đen, sen Phật Bà … sẽ đẹp hơn khi được tắm nắng đầy đủ.
Với những cây bị thiếu nắng, rất đơn giản, bạn chỉ việc đặt cây ở nơi có ánh nắng là chúng sẽ phục hồi lại như cũ.
Sen đá thiếu nước
Sen đá bị thiếu nước sẽ có các biểu hiện như: phần lá ở chân vàng, rụng kéo dài, màu sắc cây nhợt nhạt và các lá sen đá rủ xuống. Việc thiếu nước lâu ngày sẽ khiến các lá mới ra trên cây bị ngắn đi và bộ lá cũng không còn đẹp như lúc đầu nữa.
Bạn có thể khắc phục bằng cách cung cấp nhiều nước hơn cho cây nhưng nhớ tăng dần dần tránh để cây bị úng nước.
Sen đá bị rụng lá
Nếu dùng tay động vào cây mà lá sen đá rụng liên tục thì bạn cũng đừng quá hoang mang. Đầu tiên, cần kiểm tra xem cây có bị nấm mốc hay không? Nếu bị nhẹ có thể cứu chữa bằng cách phun thuốc diệt nấm và đem cây đi phơi nắng. Với những cây bị quá nặng nên vứt bỏ tránh để bệnh lây lan sang các cây khác.
Có nhiều nguyên nhân gây ra rụng lá ở sen đá, bao gồm: thiếu sáng, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng hoặc cây đặt dưới ánh nắng trực tiếp có cường độ quá gay gắt. Để khắc phục tình trạng này cần xác định xem nguyên nhân gây ra là gì để có giải pháp phù hợp.
Lưu ý: không phải bất cứ lá vàng nào cũng là biểu hiện của bệnh hại. Nếu lá vàng chỉ xuất hiện ở phần dưới cùng của thân thì đơn giản đó chỉ là lá già của cây mà thôi. Bạn chỉ cần đợi đi khi lá đã khô hẳn rồi nhẹ nhàng nhổ bỏ là được.